Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cung cấp DUY NHẤT website tuyển dụng CareerHub.Huflit.Edu.Vn, hãy cẩn trọng với các hình thức cung cấp tuyển dụng khác
Logo Internhub White

Giải quyết vấn đề – TOP10 kỹ năng cần có của năm 2025

Trong thế giới ngày nay, kỹ năng giải quyết vấn đề đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công trong cả cuộc sống và công việc. Với sự phức tạp và không chắc chắn của thế giới hiện đại, từ sự xuất hiện của Đại dịch Covid cho đến sự phát triển mạnh mẽ của Trí tuệ nhân tại (AI), khả năng con người phải đối mặt và giải quyết các vấn đề liên tục dần trở thành một điều tất yếu.

Theo báo cáo ”The Future of Jobs” của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thì kỹ năng giải quyết vấn đề nằm trong top 10 kỹ năng của năm 2025. Thật vậy, kỹ năng giải quyết vấn đề không chỉ đòi hỏi sự tư duy sáng tạo và vận dụng linh hoạt, mà còn yêu cầu khả năng phân tích, xác định đúng vấn đề và đưa ra những quyết định và giải pháp thông minh.

Vì vậy, đầu tư thời gian và nỗ lực vào việc phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề là cách để bạn mở cánh cửa với những cơ hội mới và đạt được thành công trong cuộc sống và sự nghiệp của mình.

Hãy cùng HUFLIT CAREER HUB khám phá tầm quan trọng và cách áp dụng hiệu quả kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống nhé.

Vậy kỹ năng giải quyết vấn đề là gì?

Giải quyết vấn đề vừa là một khả năng vừa là một quá trình. Là một khả năng có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề gặp phải trong các môi trường khác nhau như ở nhà, trường học, ở nước ngoài và các tình huống xã hội, trong số những tình huống khác. Là một quá trình, giải quyết vấn đề bao gồm một loạt các bước để tìm giải pháp cho các câu hỏi hoặc mối quan tâm phát sinh trong suốt cuộc đời. (Theo Coursera) 

Trong khi giải quyết vấn đề thường được xác định là một kỹ năng riêng biệt thì vẫn có những kỹ năng liên quan khác góp phần tạo nên khả năng này. Những kỹ năng này bao gồm: 

  • Lắng nghe tích cực 
  • Phân tích vấn đề 
  • Nghiên cứu 
  • Sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề 
  • Giao tiếp 
  • Quản lý thời gian 
  • Ra quyết định 
  • Xây dựng đội ngũ 

Tại sao kỹ năng giải quyết vấn đề lại quan trọng? 

Kỹ năng giải quyết vấn đề rất quan trọng ở mọi cấp độ trong nhiều ngành nghề và để giải quyết vấn đề hiệu quả thì bạn cũng cần áp dụng đồng thời các kỹ năng chuyên môn dành riêng cho công việc hoặc ngành cụ thể.  

Ví dụ, một bác sĩ sẽ cần kỹ năng lắng nghe và giao tiếp tích cực khi tương tác với bệnh nhân nhưng cũng sẽ cần kiến thức chuyên môn hiệu quả liên quan đến xác định bệnh và kê toa.  

Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp bạn có sự tự tin, bình tĩnh và đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất. Nhờ quá trình xác định, đánh giá và phân tích theo nhiều chiều hướng khác nhau mà bạn có một lựa chọn đúng đắn và làm chủ những vấn đề phát sinh. 

Năm bước giải quyết vấn đề hiệu quả 

Giải quyết vấn đề hiệu quả bao gồm năm bước cơ bản dựa theo mô hình IDEAL được tạo ra vào năm 1984 bởi các giáo sư tâm lý học John D. Bransford và Barry S. Stein. 

Các bước để giải quyết vấn đề trong mô hình IDEAL này bao gồm:  

#1 Xác định vấn đề và tìm nguyên nhân 

Để giải quyết một vấn đề, trước tiên bạn phải thừa nhận rằng nó tồn tại để sau đó tìm ra nguyên nhân gốc rễ của nó.  

Để tìm nguyên nhân của vấn đề, bạn có thể đặt một số câu hỏi liên quan như: 

  • Liệu đó có phải được xem là vấn đề?  
  • Căn cứ nào để xác định đó là vấn đề? 
  • Vấn đề này có thể được giải quyết?  
  • Vấn đề này lớn đến mức nào? 
  • Ai có thể liên quan và giải quyết vấn đề này?  
  • Có cách nào để xác định đúng vấn đề? 
  • Công cụ và quy trình để tìm ra giải pháp vấn đề này là gì? 

#2. Xác định mục tiêu kỳ vọng

Mọi vấn đề đều khác nhau. Các mục tiêu bạn hy vọng đạt được khi giải quyết vấn đề phụ thuộc vào phạm vi của vấn đề. Một số ví dụ về mục tiêu bạn có thể đặt bao gồm: 

  • Thu thập càng nhiều thông tin thực tế càng tốt. 
  • Động não nhiều giải pháp khác nhau để đưa ra giải pháp tốt nhất. 
  • Linh hoạt khi xem xét thêm các quan điểm, góc nhìn khác. 
  • Phát biểu rõ ràng và khuyến khích các câu hỏi để mọi người tham gia đều hiểu và cùng hướng đến mục tiêu cụ thể. 
  • Hãy cởi mở với các giải pháp khác nhau nếu các giải pháp bạn đã chọn không hiệu quả. 
  • Giữ thái độ tích cực trong suốt quá trình tìm ra giải pháp. 

#3. Đề xuất các giải pháp tiềm năng

Khi bạn đã xác định các mục tiêu kỳ vọng, đã đến lúc bắt đầu quá trình đề xuất các giải pháp phù hợp. Điều này bao gồm một số bước như tìm hiểu sự thật (fact-finding), động não (brainstorming), ưu tiên các giải pháp (prioritizing solutions) và đánh giá chi phí của từng giải pháp đã chọn và cân nhắc các yếu tố về thời gian, nhân lực và tiền bạc. 

#4. Chọn một giải pháp tốt nhất và hành động

Đánh giá ưu và nhược điểm của từng giải pháp tiềm năng và chọn giải pháp có khả năng giải quyết vấn đề nhất trong phạm vi ngân sách có hạn, khả năng và nguồn lực nhất định của bạn hay tổ chức. Sau khi đã chọn một giải pháp, điều quan trọng là bạn phải cam kết và thực hiện nó. 

Lập một kế hoạch hành động để thực hiện và chia sẻ bản kế hoạch với tất cả các bên liên quan một cách rõ ràng và hiệu quả, cả bằng lời nói và bằng văn bản.  

Hãy chắc chắn rằng mọi người đều hiểu vai trò của họ để có một kết luận thành công. 

#5. Xem xét kết quả 

Đánh giá cung cấp cái nhìn sâu sắc về tình hình hiện tại của bạn và giải quyết vấn đề trong tương lai. Khi đánh giá kết quả, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như: 

  • Giải pháp đang áp dụng có hiệu quả không? 
  • Giải pháp này sẽ có thể áp dụng được cho các vấn đề khác? 
  • Có bất kỳ thay đổi nào bạn sẽ thực hiện không? 
  • Liệu có một giải pháp khác sẽ áp dụng tốt hơn? 

Hi vọng bài viết sẽ đem đến cho quý bạn đọc một góc nhìn mới, hiểu rõ hơn về giải quyết vấn đề, tầm quan trọng và cách để giải quyết một vấn đề theo mô hình phổ biến IDEAL.  

Ban biên tập HUFLIT Career Hub
Nguồn tham khảo: Coursera

Để lại bình luận