Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cung cấp DUY NHẤT website tuyển dụng CareerHub.Huflit.Edu.Vn, hãy cẩn trọng với các hình thức cung cấp tuyển dụng khác
Logo Internhub White

Top 04 lĩnh vực sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ hậu Covid-19

Hinh 2

Công nghệ thông tin, thương mại điện tử, y tế và dịch vụ du lịch là những lĩnh vực được dự đoán sẽ tăng sức bật trong thị trường lao động khi đại dịch Covid-19 đi qua

Sáng ngày 19/10, buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề “Xu hướng ngành nghề hậu Covid-19” đã diễn ra đầy sôi động với sự tham dự của hơn 600 bạn sinh viên đến từ các chuyên ngành khác nhau. Đây là hội thảo mở đầu chuỗi 07 hội thảo trực tuyến do Bộ phận Quan hệ Doanh nghiệp – Phòng Đối ngoại HUFLIT tổ chức trong khuôn khổ HUFLIT Online Career 2021 với mong muốn mở ra nhiều giải pháp thiết thực cho hành trình phát triển nghề nghiệp của sinh viên và cập nhật kiến thức mới nhất về thị trường lao động tại Việt Nam.

Xuyên suốt buổi hội thảo là những vấn đề về chuyển biến của nền kinh tế được anh Võ Minh Tuấn – GĐ Nhân sự Công ty Cổ phần Nguồn Nhân Lực Siêu Việt, nêu ra và anh cũng nhấn mạnh vào các ngành nghề được đánh giá sẽ trở nên hấp dẫn khi tình hình xã hội dần ổn định trở lại.

Mức độ ảnh hưởng từ thấp đến cao của các nhóm ngành nghề hậu Covid-19 (theo thứ tự từ trên xuống dưới)

Xu hướng công việc tương lai


Đầu tiên, những công việc liên quan đến mảng công nghệ thông tin sẽ phát triển mạnh mẽ khi không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, cụ thể như khoa học máy tính, an ninh mạng, hệ thống thông tin, phát triển phần mềm. Sự tham gia trực tiếp của các ứng dụng làm việc nhóm trực tuyến trong việc kết nối con người với nhau khi đại dịch xảy ra khắp nơi trên thế giới cũng là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho vai trò của công nghệ.

“Một số ngành khác như: thiết kế sản phẩm, kỹ sư dữ liệu, phân tích dữ liệu sẽ đón đầu xu hướng ngành nghề trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0. Riêng ngành nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) sẽ đòi hỏi nhân lực có trình độ cao, do đó các doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra mức lương hấp dẫn đối với người lao động có đủ năng lực và phù hợp với doanh nghiệp”, anh Tuấn cho hay.

Tiếp đến là ngành Thương mại điện tử (E-commerce). Có lẽ, cụm từ này không quá xa lạ đối với thế hệ trẻ khi việc mua hàng trực tuyến đến từ nhóm đối tượng này trên các sàn E-commerce tăng trưởng không ngừng, từ đó dẫn đến sự bức tốc về nhu cầu tuyển dụng cho các ngành nghề khác như Supply Chain & Logistics (chuỗi cung ứng & vận tải hậu cần), Digital Marketing (tiếp thị số), Business Analysis (phân tích kinh doanh),…

Những ngành chăm sóc sức khỏe, y tế cũng lần lượt ghi nhận sự bùng nổ về mức tăng trưởng so với trước đây. Nếu nhu cầu thị trường trước đại dịch đã cần nhiều nhân lực thì nay sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa. Vì vậy, những vị trí có liên quan đến hóa sinh, công nghệ tế bào, khoa học sinh học và các ngành dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được xã hội chú ý nhiều hơn.

Anh Tuấn cho biết thêm rằng trong số những ngành vừa nêu, F&B (Food & Beverage) là một trong những ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề do thời gian giãn cách xã hội dài hơi, đi kèm với nhu cầu ăn uống bên ngoài giảm mạnh do thu nhập của người lao động bị tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, ngành này được dự đoán sẽ sớm lạc quan trở lại, vào thời điểm mà người dân cần tìm nơi thư giãn, giải trí và đáp ứng hội họp, ăn uống nhóm. 

Toàn cảnh thị trường lao động Việt Nam


Kể từ tháng 12/2019, Việt Nam đã trải qua 4 lần bùng phát dịch lớn. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là đợt dịch lần thứ 4 vừa bùng phát vào cuối tháng 4 đã gây ra nhiều tổn thương cho nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, GDP trong năm 2021 tăng trưởng âm, đồng thời tỷ lệ mất việc của người lao động cũng cao hơn so với các năm trước.

Về thị trường lao độnghơn 80.000 công ty rút lui khỏi thị trường Việt Nam, dẫn đến khoảng 12,8 triệu người lao động chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch gây ra. Gần 1,2 triệu người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu sống của mình.

“Tuy vậy, mọi người nên nhìn về một viễn cảnh tươi sáng hơn vì trong nguy nan ắt sẽ có cơ hội”, anh Tuấn đánh giá, “Nhu cầu tuyển dụng sau dịch sẽ sôi động trở lại, cho nên các bạn sinh viên cần chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để có thể hòa nhập với trạng thái ‘Bình thường mới’ một cách tối ưu và hiệu quả nhất”.
 

Hinh 1
Không khí buổi Hội thảo trực tuyến: “Xu hướng ngành nghề hậu Covid-19” dành cho sinh viên HUFLIT

Nguồn: TT Truyền thông – Tổ chức sự kiện HUFLIT

Để lại bình luận