Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cung cấp DUY NHẤT website tuyển dụng CareerHub.Huflit.Edu.Vn, hãy cẩn trọng với các hình thức cung cấp tuyển dụng khác

Gen Z và Văn hóa làm việc

Dưới sự dẫn dắt của Diễn giả Trần Thái Bảo, buổi hội thảo trực tuyến đã mang đến nhiều thông tin hữu ích cho hơn 500 bạn sinh viên về “Gen Z” và những điều cần lưu ý để có trải nghiệm công việc tốt nhất

Hinh 1
Webinar với chủ đề “Gen Z và văn hóa làm việc”

Theo báo cáo vừa công bố vào tháng 9/2021 do Decision Lab – đơn vị chuyên phân tích và nghiên cứu thị trường – 25% thành phần trong lực lượng lao động tại Việt Nam sẽ là những bạn trẻ thuộc Thế hệ Z (Generation Z – Gen Z).

Đây là những bạn trẻ được sinh ra trong khoảng năm 1997 đến năm 2012 với thói quen, hành vi tại nơi làm việc hoàn toàn khác với thế hệ trước. Do đó, buổi hội thảo trực tuyến (webinar) mang chủ đề “Gen Z và văn hóa làm việc” đã thu hút lượng lớn sinh viên HUFLIT tham gia và những trao đổi cởi mở từ phía anh Trần Thái Bảo – CCO Igloo tại Việt Nam – Diễn giả chương trình, đã giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh về môi trường làm việc của tương lai.


Gen Z – người bản xứ trong thế giới kỹ thuật số

Gen Z được ví von như “người bản xứ trong thế giới kỹ thuật số” bởi sự ra đời của họ gắn liền với sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet và công nghệ. Theo diễn giả, khác với thế hệ trước là “Gen Y”, những bạn trẻ Gen Z ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc với di động thông minh (smartphone) nên mạng xã hội, công nghệ thông tin là những khái niệm không mấy xa lạ đối với “công dân Thế hệ Z”.

“Chính ưu thế về công nghệ đã giúp cho các bạn có nhiều tiềm năng phát triển hơn so với thế hệ đi trước”, anh Trần Thái Bảo cho biết, “và công nghệ là điểm mạnh lớn nhất của Gen Z”.

Cũng vì lẽ đó mà thế hệ Z có khả năng sử dụng mạng xã hội để phát huy công việc, sử dụng ứng dụng Notion tối ưu hóa việc ghi bài và lên kế hoạch, dùng Powerpoint để trình bày số liệu, học thiết kế qua Canva,…

“Những điều đó không đến từ trường lớp mà đến từ khả năng ‘nằm vùng’ mạng xã hội của các bạn”, vị CCO đánh giá. Qua đó, diễn giả đánh giá cao khả năng tự chủ động trong học tập và tiếp thu kiến thức mới một cách nhanh chóng của các bạn. 

Những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức của gen Z thông qua biểu đồ SWOT

Những thay đổi để phù hợp văn hóa làm việc

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế, anh Bảo cũng chia sẻ thẳng thắn một vài điểm mà Gen Z nên lưu ý khi hòa nhập vào môi trường làm việc.

Đầu tiên, các bạn trẻ khi đi làm nên tương tác nhiều hơn với đồng nghiệp thay vì chỉ tập trung vào các hoạt động trên mạng xã hội. “Dù hiểu rằng các ứng dụng kết nối con người mở ra kho tài nguyên tri thức rất lớn để tìm tòi, các bạn cũng nên dành ra thời gian để ngắt kết nối với chiếc di động và gắn kết với tập thể xung quanh”, vị diễn giả gợi ý.

Thêm nữa, vì được sinh ra trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thế hệ Z được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa của các quốc gia nên so với các anh chị thuộc “Gen Y” và “Gen X”, nên các bạn yêu thích sự tự do, thích được làm chính mình.

Cùng từ đó mà các doanh nghiệp lo lắng xu hướng “nhảy việc” của người trẻ khi sự gắn bó với doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đồng thời, diễn giả cho biết không có công ty nào được thiết kế để phù hợp với từng bạn nên các bạn cần học cách thay đổi và cân bằng với các giá trị cá nhân để phù hợp với công ty.

Hinh 2
Diễn giả Trần Thái Bảo (trái) và MC chương trình (phải) trong phần giao lưu, đặt câu hỏi với sinh viên.


Phần chia sẻ gần gũi, thiết thực của diễn giả Trần Thái Bảo đã nhận được rất nhiều sự yêu thích của các bạn sinh viên. “Buổi chia sẻ này đã giúp em hiểu hơn về mình và có những sự điều chỉnh phù hợp cho môi trường làm việc sau này”, bạn Nguyễn Hà Linh, sinh viên năm 2 khoa Quan hệ Quốc tế, cho biết.

HUFLIT Online Career 2021 là chương trình dành cho các bạn sinh viên HUFLIT. Chuỗi webinar đa dạng các chủ đề khác nhau sẽ mang đến cái nhìn toàn diện về thị trường việc làm hậu Covid-19 và những kiến thức hữu ích khi phỏng vấn xin việc, đi làm.

Để lại bình luận